- Đảm bảo chất lượng
- Chi phí hợp lý
- Tiện lợi nhanh chóng
21-08-2023
Gia công sau in là công đoạn không thể thiếu đối với mọi loại quy trình in ấn. Đây không chỉ là bước hoàn thiện sản phẩm in. Mà còn là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng.
Mục lục nội dung
Máy in giúp tạo ra thành phẩm là các bản in có thiết kế đẹp, màu chuẩn, hình ảnh sắc nét. Nhưng để hoàn tất quy trình in ấn trọn vẹn. Mà còn phải trải qua một số công đoạn gia công sau in để hoàn thiện sản phẩm. Công đoạn gia công sau in giúp sản phẩm đạt tới độ hoàn chỉnh, đúng theo yêu cầu khách hàng đã đề ra.
Gia công sau in là sử dụng công nghệ, thiết bị, công cụ, chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các công việc gia công tờ in thành sản phẩm in hoàn chỉnh theo bản mẫu.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành in ấn hiện đại, kỹ thuật gia công sau in cũng rất đa dạng. Có rất nhiều phương pháp gia công sau in, tạo nên các loại thành phẩm phong phú, đáp ứng mọi yêu cầu khó khăn nhất của khách hàng.
Kỹ thuật gia công sau in thường trải qua một số công đoạn, từ bắt buộc đến không bắt buộc. Một số công đoạn không bắt buộc được thực hiện theo từng nhu cầu của khách hàng.
Cắt xén giấy là công đoạn đầu tiên bắt buộc cần có trong gia công sau in. Các thành phẩm sau khi in hầu như đều phải trải qua công đoạn này. Nó giúp đảm bảo chính xác kích thước của bản in theo mẫu. Đồng thời nhằm tách các sản phẩm trên một tờ in đối với các tờ in có kết hợp nhiều bản in nhỏ.
Do đó, các bản in ở khâu thiết kế cũng như khi tính toán đặt lên tờ in phải chừa một khoảng thích hợp để cắt xén sau này. Khoảng chừa thường là từ 3 đến 5mm. Thiết bị được sử dụng cho công đoạn cắt xén này chính là các loại máy cắt giấy. Những tờ in lẻ thường dùng máy cắt một mặt. Trong khi đó, đối với các sản phẩm có độ dày thành cuốn như sách, tạp chí thường sử dụng máy cắt ba mặt.
Cán màng là phương pháp gia công sau in được sử dụng phổ biến trong in ấn. Tùy vào nhu cầu của khách hàng, tờ in sẽ được cán hoặc ép lên bề mặt một hoặc hai lớp màng nhựa (PE, PP). Phương pháp này giúp các sản phẩm tăng khả năng giữ độ bền màu cho chữ in. Đồng thời, giúp chống ẩm, chống thấm nước và chống trầy xước bề mặt.
Qua đó, phương pháp cán màng góp phần tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Các ấn phẩm như brochure, name card, bìa sách, nhãn hàng, hộp giấy, leaflet thường áp dụng phương pháp gia công này. Tuy nhiên, do sản phẩm có cán màng sẽ cho màu sắc đậm và tối hơn. Nên khi thiết kế cần lưu ý canh màu chuẩn để sản phẩm đạt được màu sắc mong muốn.
Phương pháp cán màng có 2 loại đó là cán bóng và cán mờ. Cán phủ màng bóng thường áp dụng trong dán decal ô tô, in tờ rơi, in brochure v.v. Cán phủ màn mờ thường áp dụng cho các sản phẩm như bìa sách, name card hay hộp giấy. Cả hai loại này đều có tác dụng bảo vệ và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Đồng thời giúp sản phẩm sáng màu và cứng cáp hơn. Riêng phương pháp cán phủ màng mờ còn giúp tăng độ trầm cho sản phẩm.
Cán gân cũng là một phương pháp phổ biến trong công đoạn gia công sau in. Máy cán gân hoạt động với cơ chế dùng bộ phận chính là hai trục kim loại và một trục tạo vân ép lên bề mặt tờ in. Phương pháp này có thể kết hợp với cán màng để tạo ra hiệu ứng đặc biệt hơn cho sản phẩm. Cán gân hay được sử dụng trong in ấn bìa sách, thiệp mừng hoặc name card.
Ép nhũ hay ép kim là phương pháp gia công sau in nhằm trang trí lên bề mặt sản phẩm in hiệu ứng nhũ vàng, bạc hoặc bạch kim. Người thợ sẽ dùng khuôn mẫu kim loại dán ép lên bề mặt tờ in những chữ hay hình ảnh nghệ thuật theo yêu cầu. Phương pháp này thường được áp dụng trong in ấn thiệp cưới, in thiệp sinh nhật, name card.
Công đoạn cấn gân là phương pháp gia công sau in thường dùng trong các ấn phẩm như catalogue, bìa sách hoặc thiệp mừng. Sản phẩm in đi qua máy cấn gân sẽ tạo nên các đường gân trên bề mặt. Kỹ thuật này thường đi kèm với cán màng trước đó để tạo ra các đường cấn gấp đặc biệt mà không gây bể mực.
Ngoài ra, bế răng cưa là kỹ thuật được ứng dụng nhiều nhất trong gia công các loại vé, voucher. Những sản phẩm có hình dạng phức tạp, không thể cắt bằng máy cũng sẽ dùng phương pháp cấn bế như bao thư, giấy.
Phương pháp đánh số nhảy thường dùng trong in ấn các loại biên lai, hóa đơn, phiếu bảo hành, khuyến mãi v.v. Loại dấu nhảy số tự động này không hề đơn giản bởi nó cần sự khéo léo và độ chính xác cao. Phương pháp này phù hợp với các ấn phẩm cần được sản xuất với số lượng hàng loạt. Hiệu quả và đảm bảo chất lượng hơn nhiều so với việc đóng dấu số nhảy bằng tay.
Đóng ghim là một công đoạn gia công sau in được sử dụng thường xuyên trong in ấn. Nhất là đối với các ấn phẩm như sách, báo hay Catalogue. Chúng ta sử dụng hai hoặc ba ghim đóng lên thành phẩm để cố định chúng thành cuốn.
Sau khi in, các sản phẩm như túi giấy, thẻ treo quần áo, tài liệu đặt trong bìa còng đều cần trải qua công đoạn đục lỗ. Đây là kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cao do lỗ đục phải chính xác vị trí. Nếu lỗ đục bị xô lệch không ngay ngắn sẽ rất khó sử dụng sau đó và mất tính thẩm mỹ.
Tráng phủ là nhằm tạo độ bóng và bảo vệ sản phẩm khỏi các tác động bên ngoài. Ở công đoạn này, chúng ta sẽ tráng lên bề mặt tờ giấy in một lớp hóa chất gọi là vecni giúp chống trầy xước. Có hai dạng tráng phủ thường dùng trong in ấn là phủ lắc và phủ UV. Phủ lắc thực hiện trên máy offset thông thường và sử dụng mực lắc trong. Phủ UV được thực hiện trên máy tráng phủ UV, máy in offset có đơn vị tráng phủ UV hoặc có thể kéo lụa. Phủ UV cũng có hai kiểu là phủ UV toàn phần (tráng phủ toàn bộ bề mặt tờ in). Và phủ UV từng phần (chỉ tráng phủ lên những chi tiết cần thiết).
Dập chìm và dập nổi là công đoạn gia công sau in dành cho in ấn các sản phẩm như catalog, kẹp file, hộp giấy, namecard cao cấp. Phương pháp này tạo ra các hình ảnh nổi hay chìm trên bề mặt bản in thông qua hệ thống khuôn dập. Công đoạn này sẽ được thực hiện tùy theo yêu cầu của khách hàng và có giá thành tương đối cao.
Các sản phẩm như sách báo, catalogue, hộp giấy trong quá trình in ấn cần có công đoạn gia công sau in là gấp, dán. Các loại giấy hay vật liệu dày còn phải được cấn tạo vạch gấp trước để dễ hơn cho bước gấp thủ công bằng tay. Sau đó thành phẩm được dán theo từng loại riêng để phân biệt. Đối với số lượng thành phẩm sau in lớn, chúng ta sẽ phải sử dụng máy gấp dán chuyên dụng để hỗ trợ các thao tác thủ công. Tránh mất thời gian, đảm bảo kịp tiến độ.
Bắt cuốn là công đoạn cuối cùng của gia công sau in. Trước khi sản phẩm được hoàn thiện và đến tay khách hàng. Ở công đoạn này, chúng ta sẽ tập hợp các tay sách lại thành ruột sách. Thường thì dùng thao tác thủ công đối với số lượng ít. Với số lượng nhiều thì có thể dùng máy bắt cuốn chuyên dụng để được hỗ trợ nhanh hơn. Việc đóng cuốn sẽ giúp cho sản phẩm của chúng ta được gọn gàng hơn.
>> Xem thêm:
Đối với việc sản xuất số lượng bản in quy mô lớn, nên trang bị máy móc chuyên dụng. Để việc gia công được thực hiện chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn. Đồng thời, con người cũng cần được trang bị về kỹ năng, tay nghề cũng như sự nghiêm túc tỉ mỉ trong công việc.
Đối với quy mô in ấn nhỏ, nên cân nhắc chọn lọc những thiết bị cần thiết. Bởi vì các loại máy móc chuyên dùng thiết kế không đơn giản và thường có giá thành cao. Nếu đầu tư không hợp lý sẽ dẫn đến việc không tận dụng được tối đa vai trò của máy móc cũng như tốn kém chi phí.
Kết:
Gia công sau in là công đoạn bắt buộc và rất quan trọng đối với quy trình in ấn. Đây là bước cuối cùng quyết định bộ mặt và chất lượng sản phẩm trước khi nó đến tay khách hàng. Vì vậy, cần thật sự quan tâm và đầu tư nghiêm túc để tạo ra những thành phẩm làm hài lòng khách hàng.
13-11-2024